Mối nguy của sự cô đơn

Bí quyết sống khỏe - 05/13/2024

Sự cô đơn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Mối nguy của sự cô đơn không hề nhỏ, nó có thể âm thầm giết chết chúng ta.

Sự cô đơn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Mối nguy của sự cô đơn không hề nhỏ, nó có thể âm thầm giết chết chúng ta.

Đếm xem bạn có bao nhiêu người bạn? Hãy chỉ tính những người mà bạn thực sự thoải mái để trút bầu tâm sự mỗi khi có chuyện cần. Yêu cầu này nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng bạn có biết những mối quan hệ của một người khi trưởng thành sẽ phản ánh tình trạng sức khỏe của người đó?

“Những người bạn tụm năm tụm ba với mình thì có liên quan gì tới sức khỏe của mình?”. Nếu bạn tự hỏi như thế và cho rằng suy nghĩ này thật xa vời, như kiểu lo bò trắng răng thì có lẽ bạn chưa thực sự nhìn nhận nghiêm túc về những mối quan hệ mình có. Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Sức khỏe và Hành vi Xã hội năm 2011 cho thấy, tình bạn giúp ta khỏe mạnh hơn bằng cách tác động không chỉ đến sức khỏe tinh thần mà còn cả thể chất, giúp kéo dài tuổi thọ.

Vấn đề là thế giới đang phải đối mặt với dịch bệnh cô đơn. Một cuộc điều tra năm 2018 do Hiệp hội Người về hưu Hoa Kỳ (AARP) thực hiện cho thấy hơn 1/3 người trưởng thành từ 45 tuổi trở lên đang cô đơn. Và theo điều tra Xã hội Tổng quát thì từ năm 1985 đến 2004, số lượng người nói rằng họ không có ai để tâm sự đã tăng lên gần gấp ba.

Bạn có thể tìm hiểu thêm:

“9 dấu hiệu cảnh báo rằng bạn đang chìm đắm trong sự cô đơn”

“Bạn đã biết giảm tuổi thọ vì quá cô đơn?”

Rõ ràng sự cô đơn là một vấn đề, nhưng nó gây ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của bạn và bạn có thể làm gì để cải thiện vấn đề này?

Cô đơn gây ra ảnh hưởng xấu toàn diện đến sức khỏe. Nghiên cứu của AARP cho thấy 51% những người có sức khỏe kém cho biết họ cảm thấy cô đơn, trong khi chỉ có 27% người có sức khỏe tốt có cùng tâm trạng đó.

Sự cô đơn ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của bạn thông qua sự hỗn loạn về mặt tinh thần và cảm xúc. Natalie C. Theodore, một nhân viên xã hội lâm sàng và nhà trị liệu ở Chicago, cho biết: “Khi không có kết nối xã hội, mọi người thường cảm thấy bị cô lập, điều này có thể dẫn tới trầm cảm hoặc lo âu”.

Mối nguy của sự cô đơn

Hơn thế nữa, còn có những tác dụng về mặt sinh lý thực sự xảy ra. Các nhà nghiên cứu từ đại học Chicago phát hiện ra rằng sự cô đơn gây ra những thay đổi đối với các tế bào trong cơ thể, từ đó gây ra bệnh tật.

Theo một nghiên cứu năm 2015 của Viện Khoa học Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ, sự cô đơn có thể kích hoạt phản ứng căng thẳng khiến hệ miễn dịch trở nên suy yếu và làm tăng tình trạng sưng viêm. Điều này thật đáng lo ngại bởi một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh là mấu chốt giúp đánh bại các mầm bệnh nguy hiểm, trong khi chứng sưng viêm có thể kéo theo vô số vấn đề sức khỏe khác, trong đó bao gồm bệnh tim, tiểu đường tuýp 2, viêm khớp và bệnh Alzhemer.

Nói một cách đơn giản thì: Bạn sống nhờ vào các mối quan hệ mà mình có.

Một phân tích tổng hợp năm 2010 bao gồm 300.000 đối tượng tham gia đã phát hiện ra rằng, nguy cơ tử vong gây ra bởi sự cô đơn có thể tương đương với nguy cơ tử vong do hút thuốc lá và uống rượu bia quá độ, thậm chí còn cao hơn nguy cơ tử vong do các vấn đề bất lợi về sức khỏe mà mọi người đều biết, chẳng hạn như chứng béo phì.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: “Sự cô đơn cũng gây hại cho bạn như bệnh béo phì”

Mặt khác, có được một nhóm bạn để có thể tâm tình lại giúp nâng cao sức khỏe mà chẳng cần đến thuốc thang. Theodore nói: “Có một nhóm bạn đáng tin cậy sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng căng thẳng trong cuộc sống, và càng ít bị căng thẳng cũng có nghĩa là về tổng thể, chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh hơn”.

Mối nguy của sự cô đơn

Phân tích tổng hợp năm 2010 nói trên cũng phát hiện ra rằng những mối liên kết xã hội bền chặt cũng đi liền với khả năng sống sót tăng lên đến 50%. Nghiên cứu từ Tạp chí Sức khỏe và Hành vi xã hội nêu ra rằng, khi biết mình có những người khác để dựa vào thì huyết áp, nhịp tim và hormone gây căng thẳng trong cơ thể bạn cũng giảm xuống.

Các đặc quyền này chỉ có khi ta gắn kết với những mối quan hệ tích cực. Những mối quan hệ căng thẳng, đầy kịch tính và biến cố trái lại có thể gây hại tới sức khỏe và hạnh phúc của bạn, nhất là khi bạn chuyển sang những thói quen không lành mạnh như dùng đồ ăn vặt chứa nhiều đường, thức ăn nhanh hoặc ma túy và rượu để đối phó.

Và cũng có thực tế là nếu chính người bạn của bạn cũng không khỏe mạnh thì bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi các thói quen không lành mạnh của họ. Vậy nên, lời mẹ dạy quả đúng: “Chọn bạn mà chơi”.

Vai trò của truyền thông xã hội trong kỷ nguyên của dịch bệnh cô đơn

Mối nguy của sự cô đơn

Một cuộc điều tra năm 2016 với 3.300 đối tượng tham gia đã phát hiện ra, một người bình thường có từ 155 đến 183 bạn bè trên Facebook, nhưng khi gặp khủng hoảng hoặc phải đối diện với những nốt trầm trong cuộc sống thì họ chỉ có chừng 3–4 người bạn đủ thân thiết để thoải mái dốc bầu tâm sự. Nhà khoa học thực hiện cuộc điều tra nghiên cứu Robin Dunbar xác định rằng, những mối quan hệ trên mạng thường dễ duy trì hơn nhưng để tình bạn bền chặt thì cần có những tương tác trực diện.

Dunbar viết trong nghiên cứu của mình: “Tình bạn, nhìn chung rất dễ trở thành xa cách nếu không có sự liên lạc qua lại, và truyền thông xã hội có thể có tác dụng tốt trong việc rút ngắn khoảng cách. Tuy nhiên, chỉ mỗi phương tiện truyền thông xã hội là không đủ để ngăn chặn cái chết tự nhiên của một tình bạn nếu hai bên không thỉnh thoảng củng cố mối quan hệ bằng sự tương tác trực diện”.

Vậy nên, đừng dựa dẫm vào công nghệ và phương tiện truyền thông, tin rằng chúng sẽ giúp bạn duy trì tình bạn. Trái với những gì bạn thấy, những chiếc “like”, bình luận và email qua lại không phải là nhân tố tạo dựng mối quan hệ thực sự. Theodore nói rằng việc giao tiếp với những người bạn qua mạng là chưa đủ để thỏa mãn nhu cầu được kết nối và gắn bó thân thiết như khi ta thực hiện các nghi thức giao tiếp xã hội với con người bằng xương bằng thịt.

Nhược điểm khác của hình thức giao tiếp ảo là khi lả lướt trên mạng xã hội, nhiều khi ta chỉ thấy hụt hẫng. Ví dụ dễ hiểu là khi bạn thấy bức ảnh tất cả bạn bè tụ tập mà không có mình, bạn sẽ có cảm giác thua bạn kém bè và cô đơn.

Làm sao để tạo dựng và duy trì tình bạn?

Đấu tranh chống lại sự cô đơn không có nghĩa là phải bám dính lấy mọi người từng giây từng phút. Bạn chỉ cần cảm thấy mình được ủng hộ và hỗ trợ. Nếu bạn nghĩ mình không tìm được một tập thể để nương tựa, hãy cân nhắc những cách sau:

  • Mỗi khi cô đơn, hãy xem đấy là tín hiệu cho thấy đã đến lúc bạn cần tạo ra sự thay đổi trong cuộc sống của mình. Những người cô đơn thường không tham gia vào các đội nhóm như nhóm tình nguyện giúp đỡ xã hội hay cộng đồng tôn giáo… Vậy nên bạn cần bắt đầu từ đó. Tham gia vào một nhóm cộng đồng ở địa phương hoặc một hội những người có chung sở thích để tìm những người bạn mới.
  • Củng cố những mối quan hệ hiện tại của mình bằng việc dành thời gian gặp gỡ họ, lên kế hoạch uống cà phê hoặc dùng bữa chung.

Mối nguy của sự cô đơn

Nếu chẳng may bạn không có đủ thời gian để làm những điều trên, hãy cố gắng sắp xếp lại thời gian biểu, chẳng hạn bỏ một buổi làm móng để gặp họ, hoặc tích hợp việc gặp gỡ bạn bè với những hoạt động khác trong ngày như cùng nhau đến tiệm tạm hóa mua đồ, cùng đi tập thể dục… Việc duy trì bất cứ mối quan hệ nào cũng đều cần sự nỗ lực của cả đôi bên.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Vì sao bạn cảm thấy cô đơn khi chạm mốc 30 tuổi?
  • 10 bí quyết đi du lịch một mình không sợ cô đơn
  • Người cô đơn: Đừng mãi thu mình vào vỏ ốc!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!