THẮC MẮC

Bắt đầu kể từ khi tôi 16 tuổi cảm thấy bản thân không muốn tiếp xúc với ai

Chào bác sỹ. Năm nay tôi 17 tuổi, trước khi tôi 16 tuổi thì tôi rất thích đi chơi, rất ham muốn kết bạn đi chơi thật nhiều. Bắt đầu kể từ khi tôi 16 tuổi cảm thấy bản thân không muốn tiếp xúc với ai. Không thích có bạn, không thích giao tiếp, thậm chí không có hứng thú với những thú vui bên ngoài. Tôi không hề ngại giao tiếp, nhưng tôi cảm thấy không muốn nói chuyện với họ. Tôi chỉ nói chuyện với những ai tôi thích nói. Không muốn quan tâm đến chuyện người khác. Tôi chỉ thích ở nhà đọc sách và xem phim, trò chuyện với vật nuôi. Mặc dù không có chuyện gì nhưng tôi cảm thấy bản thân rất buồn, không muốn gặp ai hay nói chuyện với bất cứ ai. Ở cùng ông bà cô chú ba mẹ nhưng tôi chỉ nói chuyện với ba mẹ rất ít, đa số tôi vào phòng đọc sách và xem phim. Đôi khi tôi lại nằm im một chổ nhìn về một hướng nào đó nhưng không suy nghĩ gì cả. Tôi rất thích xem phim hành động, bạo lực, đặc biệt là tội phạm giết người, sát thủ. Tôi cảm thấy rất hứng thú với sự biến thái của họ. Tôi luôn giấu cảm xúc và những chuyện xảy ra, không muốn tâm sự với ai kể cả người thân của mình. Tôi hay bị thức giấc khi ngủ nhưng lại không ngủ được rồi lại nằm đó. Có khi rất buồn ngủ nhưng lại không muốn ngủ. Đôi lúc lại thích ngủ thật lâu không muốn dậy. Cảm thấy sợ sệt một thứ gì đó nhưng rất mơ hồ không rõ là thứ gì. Tôi nghĩ bản thân sau này sẽ không lấy chồng. Tôi chỉ muốn cuộc sống yên tĩnh. Đã hơn 1 năm đây là lần đầu tôi tâm sự với một người. Cảm ơn bác sỹ đọc những lời tâm sự của tôi.

Tư vấn

 Chào bạn!
Các biểu hiện của bạn hiện tại không thực sự là triệu chứng của bệnh lý tâm thần nào cả, tôi nghĩ nó giống một nét tính cách hơn. Tuy nhiên, nếu cứ thu mình lại như vậy thì sợ rằng nó sẽ trở thành nguy cơ của chứng trầm cảm.
Bệnh trầm cảm không phải lúc nào cũng phải được trị bằng thuốc men. Ta có thể thay đổi cuộc sống và lối suy suy nghĩ để tránh bệnh trầm cảm trở thành nặng. Một số người khi thay đổi cách suy nghĩ và lối sống thì căng thẳng (stress) giảm đáng kể, từ đó mà các triệu chứng trầm cảm bớt đi và có thể hết.
Thí dụ như giảm công việc lại, làm ít giờ hơn, có nhiều thời gian sinh hoạt với gia đình, dành nhiều thời giờ đối thoại với người phối ngẫu để san bằng cái hố hiểu lầm.
Nếu là sinh viên thì giảm số giờ học lại, tăng thời gian nghỉ ngơi và ăn ngủ điều độ.
Tránh lạm dụng cà phê hay rượu chè.
Tập thể dục thể thao cũng có khả năng làm giảm trầm cảm. Tập thể thao thường xuyên sẽ làm tăng chất BDNF, giúp những tế bào thần kinh sống lâu hơn.
Chúc bạn sức khỏe!