THẮC MẮC

Cảm thấy chán nản và lo sợ khi xa nhà, có phải em bị trầm cảm?

Em là sinh viên năm 1, đang trọ học ở TPHCM. Cách đây 3 tháng, trong lần đầu về thăm nhà, em sợ phải lên TP học tiếp vì môi trường lạ lẫm. Em có cảm giác lo sợ, buồn chán mọi thứ, tưởng chừng như không bao giờ vui lên được nữa, kèm theo đó là tim đập nhanh. Em lên TP học và đi khám ở khoa tim mạch TT Hòa Hảo, phát hiện bị hở van tim 2 lá 1/4 rồi uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Dùng thuốc khoảng một tháng thì em thấy đỡ hơn nhiều vì phần nào cũng dần dần quen với môi trường mới, cảm giác chán nản, lo sợ cũng dần hết. Lần về thăm nhà gần đây, em bị ám ảnh bởi cảm giác như lần đầu, tiếp đó lại thấy chán nản, tuyệt vọng. Em lên mạng tìm hiểu thì thấy bệnh của em giống với trầm cảm. Có phải em bị bệnh trầm cảm không ?Thuốc đã uống: ospen, mipisul, mg B6. Em phải làm sao ạ? Em cần một lời khuyên.

Tư vấn

Chào bạn!
Với các dấu hiệu như bạn đã nêu, bạn đang ở trong tình trạng rối loạn lo âu. Tình trạng này là do bạn đang ở trong trạng thái lo lắng và căng thẳng quá mức, bị stress do kém thích nghi với sự thay đổi môi trường sống, môi trường làm việc mới, không tự tạo lập được trạng thái cân bằng cho cơ thể. Nếu những rối loạn lo âu kéo dài mà không được điều trị sớm, bệnh nhân có thể chuyển sang trạng thái trầm cảm thực sự, sẽ trở nên thờ ơ, lãnh đạm với môi trường xung quanh, tự tách biệt mình với cuộc sống bên ngoài. Bạn cần phải đến khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần càng sớm càng tốt để được tư vấn và điều trị. Trong tâm thần, điều trị các bệnh lý về tâm thần bằng liệu pháp tâm lý là một trong những phương pháp hiệu quả và quan trọng nhất bởi có thể chỉ cần thông qua việc nói chuyện trực tiếp với bệnh nhân, bác sĩ đã giúp bệnh nhân tháo gỡ những bế tắc trong suy nghĩ, giúp bệnh nhân có những nhìn nhận mới về cuộc sống xung quanh, tâm lý được giải phóng và bệnh nhân đã khỏi bệnh được một phần.
Bạn năm nay mới là sinh viên năm thứ nhất, ở độ tuổi còn rất trẻ, phát hiện ở van 2 lá. Hở van 2 lá có thể là cơ năng hay là một bệnh lý thực sự của van tim. Trong trường hợp bệnh nhân bị thiếu máu cũng có thể có hở van 2 lá nhưng mức độ hở nhẹ gọi là hở van 2 lá cơ năng mà không phải là bệnh lý của tim, khi tình trạng thiếu máu hết van cũng không còn hở nữa. Các trường hợp còn lại là hở van 2 lá bệnh lý, cần phải điều trị càng sớm càng tốt, nếu cần thiết phải can thiệp phẫu thuật thì sẽ phải làm sớm, nếu để kéo dài sẽ dẫn tới suy tim.
Vì vậy, ngoài việc khám và điều trị bệnh rối loạn lo âu tại chuyên khoa tâm thần, bạn cần phải đến khám lại chuyên khoa tim mạch để các bác sĩ tiếp tục điều trị hở van 2 lá cho bạn.
Chúc sức khỏe!