THẮC MẮC

Em thường bị đau tức ngực đau không nặng lắm nhưng cứ hơi khó chịu

Chào bác sĩ. Em năm nay 22 tuổi. Em có câu hỏi nhờ bác sĩ tư vấn giúp ạ. Em thường bị đau tức ngực. Cơn đau không nặng lắm nhưng cứ hơi khó chịu. Cơn đau xuất hiện không liên tục khoảng 1_2 tiếng là hết ạ. Thỉnh thoảng em cung bị tê ra vùng ngực và bụng. Rất khó chịu. Nếu em ngồi phòng điều hòa là sẽ thấy tức ngực. Khó thở. Em còn bị ngứa người nữa ạ. Cọ xát với da là thấy đau và ngứa. Dã se nổi hằn lên theo đường cọ xát. Co phải em bị đau thần kinh liên sườn không ạ. Nguyên nhân là do gì ạ. Mong bác sĩ tư vấn giúp

Tư vấn

Chào bạn!
Tức ngực khó thở là tình trạng thường xuyên bị đau nhói, bóp chặt ngực trái, hoặc cảm thấy sức nặng khi phải leo cầu thang hoặc lao động và làm việc quá sức. Có một số nguyên nhân có thể gây đau ngực khó thở bao gồm:
1. Nguyên nhân nguồn gốc phổi:
- Do hẹp đường hô hấp: Nếu khó thở thì hít vào thường nghĩ đến nguyên nhân do hẹp phế quản, dị vật trong phế quản, chèn ép trung thất hoặc khó thở khi thở ra thì có thể do hen phế quản, giãn phế nang. Thông thường các loại khó thở này thường kèm theo tiếng thở rít, ồn ào.
- Khó thở do tổn thương nhu mô phổi: Loại này thường kèm theo tăng tần số thở, lúc nghỉ ngơi ít xuất hiện, nhưng khi gắng sức thường khó thở hơn. Đó là các bệnh như viêm phế quản co thắt, viêm phổi cấp, lao phổi...
2. Khó thở do bệnh tim mạch
3. Khó thở nặng ngực do nguyên nhân thần kinh:
- Yếu tố tâm lý: Một số người hay lo âu, hồi hộp có kèm với khó thở. Thật ra đó chỉ là những cảm giác khó chịu xuất hiện trong thời gian ngắn mỗi khi hít vào sâu. Cũng có khi tình trạng khó thở này gặp ở những người phụ nữ có rối loạn thần kinh chức năng. Nên nghĩ đến tình trạng khó thở tâm căn này khi không tìm thấy tổn thương nào ở phổi cũng như không tìm thấy khó thở do nguyên nhân chuyển hoá
- Khó thở do nguyên nhân thực thể ở thần kinh như: Bệnh bại liệt, bệnh nhược cơ: Lúc đầu là khó thở do gắng sức sau khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục.
4. Khó thở do biến đổi hoá học:
- Đứng đầu là do thiếu máu: Khó thở thường nhẹ, ít khi dẫn đến khó thở khi nằm nhưng thường xuất hiện khi gắng sức.
- Khó thở trong các bệnh mạn tính gây tăng urê máu và đường máu trong bệnh suy thận, suy gan, đái tháo đường
Bạn cần đi khám Nội tổng quát và làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán đúng bệnh mới điều trị hiệu quả được.
Ngoài ra, các biểu hiện về da như bạn mô tả có thể bạn đang bị chứng mày đay vẽ nổi. Đây là dạng mề đay mạn tính thuộc nhóm mề đay vật lý tức là do tác động của một lực nhất định lên da. Bệnh thường nặng lên khi có một số thay đổi về nội tiết (dậy thì, tiền mãn kinh, bệnh lý hệ nội tiết,….) hoặc do các yếu tố tâm lý (làm việc căng thẳng, lo âu quá mức, stress), thay đổi thời tiết (thời tiết nóng, lạnh,…).
Nguyên nhân khiến cho làn da dễ “nhạy cảm” và có biểu hiện vẽ nổi như vậy cho đến nay vẫn chưa được rõ. Chính vì vậy việc điều trị thường hướng tới điều trị triệu chứng và phòng ngừa bệnh đóng vai trò quan trọng. Đôi khi bệnh cũng có thể tự khỏi sau một vài năm.
Việc phòng ngừa quan tâm tới các yếu tố là tác nhân, trước hết bạn nên cố gắng tránh các tác động vật lý lên da như cào, gãi, cọ sát mạnh,… Giữ ấm trong thời tiết lạnh và giữ cơ thể, làn da thoáng mát trong thời tiết nóng. Bạn cũng nên có chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh, bổ sung vitamin C và uống đủ nước mỗi ngày, hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. Ngoài ra, bạn cũng cần sắp xếp một lối sống khoa học với việc tập luyện thể dục đều đặn, học tập, lao động và nghỉ ngơi hợp lý, tránh suy nghĩ căng thẳng, lo âu,… Đặc biệt khi có các biểu hiện bệnh lý khác kèm theo thì bạn cần đi khám và điều trị triệt để vì có thể hiện tượng mề đay chỉ là thứ phát sau bệnh đó. Điều này giúp tăng cường sức khỏe và giúp cải thiện đáng kể tình trạng bệnh.
Chúc bạn sức khỏe!