THẮC MẮC

Ho và khó thở, nói chuyện hụt hơi liên tục chữa trị thế nào?

Chào bác sĩ. Cháu năm nay 23 tuổi, khoảng 1 tuần trước cháu bị đau họng sốt và đã trị hết. Sau khi trị hết đau họng và sốt thì cháu lại tiếp tục bị ho và khó thở, nói chuyện thì bị hụt hơi muốn ho. Cháu cũng mua thuốc ho uống nhưng không hết. Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu xem cháu bị bệnh gì và chữa trị như thế nào ạ. Cảm ơn bác sĩ ạ.

Tư vấn

Chào bạn!
Khó thở là một triệu chứng nguy hiểm cần xác định nguyên nhân để điều trị triệt để. Bạn nên tái khám kiểm tra sớm để được tư vấn trị bệnh. Có một số nguyên nhân có thể gây khó thở bao gồm:
1. Nguyên nhân nguồn gốc phổi:
- Do hẹp đường hô hấp: Nếu khó thở thì hít vào thường nghĩ đến nguyên nhân do hẹp phế quản, dị vật trong phế quản, chèn ép trung thất hoặc khó thở khi thở ra thì có thể do hen phế quản, giãn phế nang. Thông thường các loại khó thở này thường kèm theo tiếng thở rít, ồn ào.
- Khó thở do tổn thương nhu mô phổi: Loại này thường kèm theo tăng tần số thở, lúc nghỉ ngơi ít xuất hiện, nhưng khi gắng sức thường khó thở hơn. Đó là các bệnh như viêm phế quản co thắt, viêm phổi cấp, lao phổi...
2. Khó thở do bệnh tim mạch
3. Khó thở nặng ngực do nguyên nhân thần kinh:
- Yếu tố tâm lý: Một số người hay lo âu, hồi hộp có kèm với khó thở. Thật ra đó chỉ là những cảm giác khó chịu xuất hiện trong thời gian ngắn mỗi khi hít vào sâu. Cũng có khi tình trạng khó thở này gặp ở những người phụ nữ có rối loạn thần kinh chức năng. Nên nghĩ đến tình trạng khó thở tâm căn này khi không tìm thấy tổn thương nào ở phổi cũng như không tìm thấy khó thở do nguyên nhân chuyển hoá
- Khó thở do nguyên nhân thực thể ở thần kinh như: Bệnh bại liệt, bệnh nhược cơ: Lúc đầu là khó thở do gắng sức sau khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục.
4. Khó thở do biến đổi hoá học:
- Đứng đầu là do thiếu máu: Khó thở thường nhẹ, ít khi dẫn đến khó thở khi nằm nhưng thường xuất hiện khi gắng sức.
- Khó thở trong các bệnh mạn tính gây tăng urê máu và đường máu trong bệnh suy thận, suy gan, đái tháo đường'.
Chúc bạn sức khỏe!