THẮC MẮC

Sau mỗi bữa ăn khoảng chừng một tiếng là xuất hiện mề đay rất ngứa và đau bụng đi phân lỏng màu đen là bị gì?

Tôi là Nam giới 32 tuổi. Hai tháng nay tôi bị nổi mề đay toàn thân và tiêu chảy. Sau mỗi bữa ăn khoảng chừng một tiếng là xuất hiện mề đay rất ngứa và đau bụng đi phân lỏng màu đen. Có khi đi chảy một lần sau bữa ăn có khi đi đến hai ba lần. Đặc biệt sau khi uống cafe hoặc ăn đồ ăn cay thì bị rất nặng kèm theo chóng mặt buồn nôn, toát mồ hôi lạnh. Đã đi khám bệnh viện đông y họ bảo là bệnh gan và đường ruột cho thuốc về uống nhưng chưa thấy thuyên giảm. Đi khám bên viện sốt rét, ký sinh trùng phát hiện giun đũa chó và virus HP dạ dày nhưng uống thuốc hết một tháng vẫn không thấy giảm. Hiện tôi không biết mình đang bị bệnh gì và nên khám ở đâu mong bác sĩ tư vấn giúp.

Tư vấn

Chào bạn !
Mày đay là một bệnh dị ứng phát ban ngoài da thường hay gặp với biểu hiện là ngứa nhiều, dát đỏ, sẩn phù, kích thước từ vài milimet đến vài centimet; nổi khắp cơ thể, tập trung nhiều ở vùng tì đè, cọ sát; khi thương tổn xuất hiện ở những vùng tổ chức lỏng lẻo như mi mắt, môi, bộ phận sinh dục có thể phù rất lớn. Nếu tổn thương nổi ở niêm mạc đường hô hấp có thể gây khó thở; ở niêm mạc dạ dày khiến bệnh nhân có thể đau bụng.
Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên:
- Do thức ăn: tôm cua, cá, ốc, đồ hộp, nhộng tằm…
- Do thuốc: bất kỳ một thuốc nào đưa vào cơ thể cũng có thể gây dị ứng. Một số thuốc hay gây dị ứng như: kháng sinh, quinine, huyết thanh, vắc-xin …
- Nhiễm ký sinh trùng: giun, sán…
- Bị côn trùng đốt: muỗi, rệp…
- Tiếp xúc với bụi nhà, phấn hoa, bụi bông, hóa chất, lông súc vật (mèo, chó), nước, gió lạnh, khi thay đổi thời tiết.
- Ngoài ra, có thể do gắng sức, do tập thể dục, thể thao …
Điều trị bệnh mày đay:
Nguyên tắc điều trị là phải dừng ngay các nguyên nhân gây nên dị ứng như: nếu do thuốc thì dừng sử dụng thuốc, do thức ăn thì phải tránh các loại thức ăn gây dị ứng…
- Dùng các thuốc kháng histamin điều trị dị ứng như: Chlopheniramin, Cetirizine, Loratadin, Telfast…
- Chú ý vệ sinh môi trường, tránh tiếp xúc với những nguyên nhân có thể gây bệnh: tránh gió bụi, nên tắm nước ấm, hạn chế xà phòng, hóa chất, kiêng các thức ăn từ biển, đồ hộp lên men…
Trong trường hợp bệnh kéo dài bạn nên đến các bác sỹ chuyên khoa miễn dịch dị ứng hoặc chuyên khoa da liễu để được khám và cho làm các xét nghiệm tầm soát các yếu tố khởi phát bệnh; từ đó sẽ có phác đồ điểu trị hiệu quả.
Chúc bạn mau khỏi bệnh!