THẮC MẮC

Tư vấn về bệnh tăng Lipid máu hỗn hợp và bệnh Gút Vô căng?

Chào bác sĩ. Em tên: Huy Tuổi : 25 Cân năng : 60 kg Cao : 1 m 65. ĐT : 0948132897. Nơi ở : tt ba tri - Tỉnh bến tre *Xét Nghiệm Sinh Hoá Máu Acid Uric : 609 umol/L Cholesterol toàn phần : 6.4mmol/L Triglycerid: 11.3 mmol/L HDL - cholesterol : 1.8 mmol/L LDL- cholesterol : 2,1 mmol/ L Bác sĩ nói em bị Tăng Lipid máu hỗn hợp và bệnh Gút Vô căng. Cho em hỏi bị tăng lipid máu hỗn hợp là bệnh gì ? + Bệnh Gút vô căng là sao? 2 bệnh này có nguy hiểm không ? làm sao để giảm lipid máu xuống ? 2 Bệnh này điều trị lâu dài hay hết bệnh rồi ngưng ? Bao lâu thì đi kiểm tra bệnh lại một lần ? Bệnh này có do di truyền không? ( tại vì ba em cũng bị tăng lipid máu ). Dùng thuốc trị tăng lipid máu lâu dài có ảnh hưởng hay tác dụng phụ tới các cơ quan khác không? Chế độ dinh dưỡng của 2 bệnh này ra sao ? có được ăn các loại thịt không ? Vd : thịt bò , gà , vịt , lợn ,trứng , tép .., có được ăn các món chiên, xào không? có được ăn các loại kẹo, bánh ngọt không? Xin bác sĩ tư vấn dùm em. Em xin cám ơn rất nhiều.

Tư vấn

Chào bạn!
Đa số các trường hợp rối loạn chuyển hóa lipid máu là do dinh dưỡng, chế độ ăn quá nhiều mỡ động vật, quá nhiều thức ăn chứa nhiều cholesterol (phủ tạng động vật, mỡ động vật, trứng, bơ, sữa toàn phần...), chế độ ăn dư thừa năng lượng (béo phì), uống nhiều rượu, hút thuốc lá... Một số trường hợp có thể do di truyền, hoặc thứ phát sau một số bệnh như hội chứng thận hư, suy giáp, đái tháo đường, bệnh gan, mật...
Trong điều trị các rối loạn chuyển hóa lipid máu, để giúp giảm cholesterol máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành, chế độ ăn phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
Giảm tổng năng lượng ăn vào trong ngày để giảm cân nếu có thừa cân, béo phì, một số trường hợp rối loạn chuyển hóa lipid nhẹ, bệnh có thể ổn định chỉ bằng chế độ ăn giảm cân.
Giảm năng lượng của khẩu phần ăn từng bước một
Cần theo dõi cân nặng để điều chỉnh tổng lượng calo hàng tháng hoặc hằng tuần để đạt hiệu quả giảm cân cũng như duy trì cân nặng sau khi đạt BMI ở mức bình thường.
Giảm lượng chất béo (lipid). Hạn chế ăn các chất béo bão hòa (thịt mỡ, bơ, phomát, margarin...). Nên ăn các loại chất béo chưa bão hòa (dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu vừng...) và ăn các hạt có dầu như: vừng, lạc, hạt dẻ, hạt bí ngô để cung cấp acid béo không no có nhiều nối đôi omega 3, omega 6. Nếu có điều kiện, nên bổ sung dầu cá thiên nhiên vì chứa nhiều acid béo không no.
Không ăn nhiều các thức ăn có cholesterol cao như lòng đỏ trứng, thịt có màu đỏ, sữa, gan, bơ, phủ tạng động vật...). Ăn cá nhiều hơn ăn thịt. Hạn chế uống rượu.
Ăn nhiều rau quả (vì chúng làm hạ lượng cholesterol) như các loại táo, bưởi, cam, quýt, bắp cải, cải củ, cải bẹ, cải xanh, cà rốt, cà chua, cà tím, đu đủ, tỏi, hành ta, hành tây, gừng, ớt.
Đối với bệnh Gout có thêm một số lưu ý khác:
1/ Ăn ít thịt và cá
Bệnh gout là một trong những bệnh ảnh hưởng trực tiếp từ đường ăn uống, khi nồng độ axit uric quá cao trong máu dẫn đến lắng đọng các tinh thể urat hoặc tinh thể axit uric ở các khớp dẫn đến chứng đau nhức.
Do đó, nguyên tắc đầu tiên tối quan trọng khi sử dụng thực phẩm để chữa bệnh gout bạn cần nên nhớ đó là nên hạn chế các thức ăn chứa nhiều axit uric, nhân purin. Cụ thể là thịt đỏ như thịt bò, thịt ngỗng, thịt trâu, thịt chó, thịt dê, thịt ngựa, gà tây… thay vào đó nên ăn thịt trắng như thịt gà, vịt… Đối với hải sản nên hạn chế các loại như cá ngừ, cá thu, cá trích, tôm, cua, ốc, sò… tốt nhất nếu ăn chỉ nên ăn ít hơn 120g mỗi ngày. Chúng có khả năng làm tăng chuyển hóa acid uric lên cao - nguyên nhân gây ra những cơn bệnh gout cấp tính.
Đối với những trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ bệnh nhân vẫn có thể dung nạp vào cơ thể đạm động vật, tuy nhiên chỉ ở mức cho phép, đồng thời cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Ngoài ra đối với một số loại rau như măng tây, nấm, cải bó xôi, súp lơ.. người bị bệnh gout cũng nên hạn chế sử dụng.
2/ Nói không với nội tạng động vật
3/ Nên sử dụng rau giàu chất xơ, trái cây tươi
4/ Tránh xa thức uống chứa đường
5/ Tránh xa rượu bia và các thực phẩm chứa cồn
Ngoài ra bạn cần tuân thủ chế độ dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, tá khám kiểm tra theo hẹn hoặc xét nghiệm kiểm tra 3-6 tháng 1 lần trong thời gian đầu, sau đó duy trì 6 tháng -1 năm 1 lần.
Chúc bạn sức khỏe!