Làm sao để đáp trả những bình phẩm khiếm nhã về ngoại hình?

Tâm lý - 05/18/2024

"Ta là một, là riêng, là duy nhất". Vậy bạn sẽ làm gì trước những bình phẩm khiếm nhã về ngoại hình của mình? Bí quyết cho bạn đây!

Thượng đế không tạo ra loài người rập khuôn như các loài động vật khác nên mỗi chúng ta đều là một cá thể đặc biệt với hình dáng, tính cách riêng của mình. Vậy bạn sẽ làm gì trước những bình phẩm khiếm nhã về ngoại hình của mình?

Một số người thường có thói quen bình phẩm, phán xét ngoại hình của người khác, và chính những lời cười nói vô ý thức đã làm tổn thương người nghe. Họ lại càng mặc cảm, tự ti hơn về ngoại hình của mình khi phải lắng nghe những lời chê bai, nhạo báng từ chính gia đình, bạn bè… May mắn thay, chúng ta vẫn có những phương án để đối phó với miệng người đời.

1. Bình phẩm về cách ăn uống: “Người bự vậy còn ăn nữa hả?”

Bạn chỉ cần nói một chữ “Ừ” ngắn gọn và đơn giản là đủ để làm đối phương ngưng nói trong vài phút. Mặc dù họ có lòng quan tâm đến sức khỏe của bạn, nhưng những câu nói buột miệng như vậy khi thốt ra chẳng khác gì tát nước vào mặt.

Hãy để cho đối phương biết rằng bạn đang cảm thấy khó chịu với câu đùa đó và bạn mong họ hãy tôn trọng quyết định của bạn. Nhiều người trong trường hợp này thường cảm thấy xấu hổ và sẽ không muốn ăn nữa, do đó, nếu bạn cảm thấy không thoải mái, hãy tìm cớ đi về để có thể tận hưởng món ăn yêu thích một mình mà không bị người khác quấy rầy.

2. Bình phẩm về quần áo: “Đồ này nhìn trẻ quá/già quá so với bạn đấy!”

Nếu bạn cảm thấy mình thoải mái khi mặc như vậy, hãy nói “Ừ” một cách dứt khoát. Cho dù tuổi tác, ngoại hình có ra sao đi nữa, bạn không nên vì lời chê cười của người khác mà ép buộc bản thân lựa chọn những thứ mà bản thân không thích.

3. Lời bình phẩm về ngoại hình: “Ốm quá! Ăn nhiều vào!”

Rất nhiều người nghĩ rằng họ có thể bình luận về thân thể của người khác bao nhiêu cũng được. Tuy nhiên, bình phẩm về ngoại hình của người khác gầy hay béo cũng không phải là điều tốt.

Do đó, nếu bạn đã lỡ vuột miệng, đừng nên biện minh cho bản thân bằng những lý luận vô lý mà nên thành thật hối lỗi và sửa đổi cách nói chuyện của mình. Mặt khác, nếu bạn phải lắng nghe những câu nói này, hãy bình thản mà trả lời rằng: “Không cần đâu, mình cảm thấy khỏe mạnh là được rồi”.

4. Lời bình phẩm so sánh: “Nhìn người ta giảm cân mà bắt chước kìa!”

Mọi người, đặc biệt là các bà mẹ vừa sinh con xong, đều không muốn bị so sánh ngoại hình với những người khác. Khi trải qua những tình huống như vậy, họ sẽ cảm thấy căng thẳng và càng nôn nóng giảm cân hơn, mặc dù cơ thể sau khi sinh cần nhiều thời gian để hồi phục sức khỏe. Vì thế, nếu muốn giảm cân, các mẹ nên nghỉ ngơi ít nhất 6 tuần trước khi bắt đầu tập luyện thể thao. Nếu đang cho con bú, các mẹ bỉm sữa không nên áp dụng ăn kiêng vì sẽ ảnh hưởng đến nguồn sữa. Vì thế, mẹ bỉm sữa cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để giúp bé chóng phát triển.

Hãy nghĩ cho lợi ích của cơ thể và con cái trước khi để tâm đến lời nói của người khác.

5. Bình phẩm về giới tính: “Nhìn mày như thằng con trai” hay “Mày ẻo lả như con gái vậy”

Không ai có quyền quyết định người khác phải sống đúng với giới tính họ, cũng như việc bạn không thể ép con trai phải thích màu xanh và con gái phải thích màu hồng. Trong trường hợp đó, bạn hãy nở một nụ cười và nói: “Cám ơn, đó không phải là vấn đề của bạn”. Nếu không, hãy khẳng định rõ với đối phương rằng: “Con gái mặc như vậy thì đã sao?”.

Cơ thể của mỗi người không phải là chủ đề cho người khác bình phẩm. Bạn hãy thật bình tĩnh để đáp trả những bình luận không hay nhé.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • “Ai dạy con cái này?”, “Con xem bạn con kìa!”… Những câu nói ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ
  • Tình yêu sẽ làm cơ thể và não bộ bạn thay đổi ra sao?
  • Làm sao để đáp trả những bình phẩm khiếm nhã về ngoại hình?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!